Tác giả: Phương Thanh. “Báo Phụ nữ online Thành phố Hồ Chí Minh” ngày 14/4/2025. từ: https://www.phunuonline.com.vn/bai-cuoi-tai-san-vo-gia-cua-chinh-quyen-va-nhan-dan-tphcm-a1547083.html
Giá trị khổng lồ về môi trường và kinh tế
Tiến sĩ Lê Đức Tuấn – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ – cho hay, rừng Cần Giờ có những điểm khiến các nhà khoa học thế giới phải kinh ngạc.

Thanh niên xung phong TPHCM trồng rừng Cần Giờ – Ảnh: P.T.
Theo thông lệ, UNESCO chỉ xét công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với rừng tự nhiên, nhưng Cần Giờ là rừng được phục hồi sau khi bị nhiễm chất độc hóa học đầu tiên đạt danh hiệu này vào năm 2000. Đặc biệt, rừng được hồi sinh trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ 20 năm so với 100 năm như dự tính của các nhà khoa học Mỹ. Tính đa dạng sinh học của rừng đã trở về gần như nguyên trạng so với trước khi bị phá hủy, được đánh giá là khu rừng phục hồi đẹp nhất Đông Nam Á.
Theo ông, có thể xem việc hồi sinh rừng Cần Giờ là một cuộc đầu tư “siêu lợi nhuận”. Từ năm 1978 đến 2000, diện tích trồng rừng khoảng 30.000ha, với tổng chi phí hơn 300 tỉ đồng (bình quân 10 triệu đồng/ha). Trong khi đó, đánh giá tổng giá trị kinh tế từ việc phục hồi rừng được tính theo giá năm 1999 là hơn 7.863 tỉ đồng, gồm các giá trị sử dụng trực tiếp (giá trị từ sản phẩm rừng, các loài động vật, thủy sản tự nhiên, từ hoạt động khai thác du lịch, hoạt động nghiên cứu khoa học, những vật chất từ sinh khối rừng, tác dụng giảm thiểu thiên tai) và giá trị sử dụng gián tiếp (giá trị cố định các bon và cung cấp ô xy, giá trị di sản). Như vậy, tính đến năm 1999, việc đầu tư rừng Cần Giờ đã “lãi ròng” hơn 7.500 tỉ đồng.
Cũng theo tiến sĩ Lê Đức Tuấn, những giá trị về môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội của rừng Cần Giờ ngày càng tăng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay. Mỗi năm, 1ha rừng Cần Giờ hấp thu 20.328 tấn khí carbonic (CO2), đồng thời cung cấp 13.552 tấn khí ô xy (O2) cho cư dân TPHCM và khu vực. Rừng còn là môi trường lọc nước thải từ TPHCM, các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đưa xuống, trước khi đổ ra biển.
“Rừng Cần Giờ như tấm khiên mềm mại giữ cho đất bồi vững chãi, ngăn sạt lở. Đây còn là nơi có nguồn lợi thủy hải sản phong phú và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Rừng cũng là mái trường mở để các nhà khoa học và sinh viên tìm thấy nguồn tư liệu sống phục vụ nghiên cứu, học tập”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – nhận định, trong tương lai, rừng Cần Giờ còn mang lại nguồn lợi lớn từ việc bán tín chỉ các bon, ước tính thu được 70 triệu USD/năm (khoảng 1.700 tỉ đồng), góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam là giảm mức phát thải ròng xuống bằng 0 vào năm 2050. Điều này đặt ra trách nhiệm to lớn trong việc giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này.
Chung tay bảo vệ rừng
Theo ông Phùng Chí Sỹ, lãnh đạo TPHCM đặt mục tiêu tiến về phía biển nên trong tương lai, việc đầu tư phát triển huyện Cần Giờ là điều chắc chắn. Các dự án sắp triển khai như cầu Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế, khu đô thị lấn biển có thể làm tăng lượng khí thải và giảm lượng khí hấp thụ của rừng. Vì vậy, cần nhanh chóng kiểm kê các loại rừng (giàu, trung bình, nghèo kiệt) để xác định lượng cây cần trồng bổ sung và diện tích rừng cần tăng thêm nhằm phát huy tiềm năng bán tín chỉ các bon.

Tập thể Báo Phụ nữ TPHCM tham gia trồng 1.200 cây đước tại rừng Cần Giờ dịp 19/5/2024 – Ảnh: Phùng Huy
Ông góp ý: “Muốn phát triển về hướng Cần Giờ, phải tính toán cẩn thận giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, trên nguyên tắc bảo vệ tuyệt đối vùng lõi. Có thể cân nhắc chuyển đổi mục đích ở các vùng đệm hay vùng chuyển tiếp nhưng phải đáp ứng các quy định khắt khe của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phải đánh giá tác động môi trường và có phương án trồng rừng thay thế”.
Tiến sĩ Huỳnh Đức Hoàn – Trưởng ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Cần Giờ – thông tin, rừng phòng hộ Cần Giờ chiếm hơn một nửa diện tích huyện Cần Giờ và 1/6 diện tích TPHCM, có ranh giới tiếp giáp 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, một phần giáp Biển Đông, có mạng lưới sông rạch chằng chịt tạo nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức trong việc quản lý và bảo vệ rừng.
Từ năm 2000 đến nay, UNESCO đã 2 lần đánh giá định kỳ (10 năm/lần) và công nhận khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã được bảo vệ, phát triển hiệu quả. Nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học ngày càng được nâng lên, góp phần lớn vào việc kéo giảm số vụ vi phạm lâm nghiệp. Trước năm 2000, mỗi năm có hàng trăm vụ vi phạm, thì trong giai đoạn 2014-2018, chỉ còn dưới 10 vụ/năm, giai đoạn 2019-2023 còn dưới 6 vụ/năm, đến năm 2024 chỉ còn 2 vụ.
Ông Huỳnh Đức Hoàn cho rằng, có được kết quả này là nhờ nhiều lực lượng đã đoàn kết, chung tay gìn giữ màu xanh của rừng suốt 47 năm qua: từ chính quyền địa phương, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, thanh niên xung phong, công an, cho đến hàng trăm hộ dân gắn bó với rừng. Trong đó, chính sách đột phá nhất là giao khoán rừng cho người dân từ năm 1990.
Bên cạnh đó, BQL còn triển khai mô hình tổ tự quản bảo vệ rừng đầu tiên trên cả nước. 30 tổ tự quản như những “cánh tay nối dài” của lực lượng quản lý để chủ động tuần tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng. Các hộ dân rất tâm huyết, bảo vệ rừng như bảo vệ chính mảnh đất của mình và họ cũng được chính quyền TPHCM và huyện Cần Giờ quan tâm đặc biệt, chăm lo nhiều mặt.
Dù đời sống người giữ rừng ngày càng được cải thiện, ông Huỳnh Đức Hoàn vẫn không giấu được trăn trở: “Giữa nhịp sống hiện đại với những tiện nghi đô thị ngày càng hấp dẫn, liệu trong tương lai, thế hệ trẻ có còn muốn gắn bó với rừng?”. Ông hy vọng, với mức tiền khoán bảo vệ rừng sắp tăng gấp đôi, lên 2,7 triệu đồng/ha/năm (theo nghị quyết mới của HĐND TPHCM), cùng những chính sách từ chính quyền, sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể, các mạnh thường quân, nghề giữ rừng sẽ tiếp tục thu hút những lớp trẻ kế cận, để “lá phổi xanh” quý giá của TPHCM mãi vững bền.
Quản lý rừng tốt hơn nhờ khoa học, công nghệ BQL rừng phòng hộ Cần Giờ đang áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc quản lý, bảo vệ rừng. Một trong những giải pháp nổi bật là “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý tài nguyên tại khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ”, do thạc sĩ Bùi Nguyễn Thế Kiệt – Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên, BQL rừng phòng hộ Cần Giờ – đề xuất. Sáng kiến này đã đoạt giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2023 và giải thưởng Môi trường TPHCM lần thứ ba.Anh Thế Kiệt và đồng nghiệp còn triển khai nhiều sáng kiến như quản lý và giám sát cây rừng trên phần mềm Google Earth và Mapinfo; dùng ứng dụng lượng giá dịch vụ hệ sinh thái và ảnh viễn thám Landsat để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ… Cán bộ, nhân viên BQL và người dân giữ rừng được cài phần mềm Locus Map trên điện thoại thay cho máy định vị GPS truyền thống. Phần mềm này giúp lực lượng giữ rừng định hướng, theo dõi hiện trạng cây rừng và báo cáo nhanh các vụ vi phạm ngay cả khi không có sóng vệ tinh. |
Rừng Cần Giờ sắp trở thành khu Ramsar thế giới BQL rừng phòng hộ Cần Giờ đang xây dựng hồ sơ để đề xuất công nhận rừng Cần Giờ là khu Ramsar – tức vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Theo Công ước Ramsar, chỉ cần đạt 1/9 tiêu chí là đủ điều kiện công nhận, trong khi Cần Giờ đã đáp ứng 4 tiêu chí, nổi bật là mức độ đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật quý hiếm.Danh hiệu khu Ramsar thế giới không chỉ khẳng định giá trị sinh thái đặc biệt của rừng Cần Giờ mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch sinh thái bền vững, tạo nguồn thu cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… |