KỲ TÍCH RỪNG CẦN GIỜ – Bài 2: Những thế hệ gửi trọn thanh xuân cho rừng

Tác giả: Phương Thanh. “Báo Phụ nữ  online Thành phố Hồ Chí Minh” ngày 13/4/2025. từ: https://www.phunuonline.com.vn/ky-tich-rung-can-gio-bai-2-nhung-the-he-gui-tron-thanh-xuan-cho-rung-a1546825.html

3 thế hệ giữ rừng

Năm 1990, phần lớn diện tích đất rừng Cần Giờ đã được phủ xanh. Thế nhưng, thời điểm ấy, lâm tặc hoành hành, nhiều mảng rừng non vừa vươn mình đã bị đốn hạ.

Ông Nguyễn Đình Cương – Giám đốc Lâm trường Duyên Hải thời bấy giờ – nhớ lại: “Lúc đó, tôi đã cùng ông Trương Tấn Sang – Giám đốc Sở Nông nghiệp TPHCM – lặn lội đến từng nhà, thuyết phục bà con cùng giữ rừng. Khi nghe đề xuất giao đất, giao rừng để người dân vừa có sinh kế, vừa giúp Nhà nước bảo vệ rừng, lãnh đạo thành phố và huyện đều ủng hộ. Thế là mô hình giao khoán rừng ra đời. Rừng được trao lại cho những người gắn bó với nó và từ đó, nạn phá rừng giảm dần”.

Vợ chồng Phạm Thị Oanh – Lê Hoàng Anh là thế hệ thứ ba trong gia đình giữ rừng Cần Giờ

Từ 10 hộ tiên phong nhận khoán rừng, đến nay, có khoảng 130 hộ bền bỉ trông coi rừng phòng hộ. Nhiều gia đình đã truyền lại nghề giữ rừng qua thế hệ thứ hai, thứ ba, như một mạch nguồn không dứt.

Phạm Thị Oanh (33 tuổi) đón chúng tôi trước ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa rừng, lối vào chỉ là vài thân cây mỏng manh bắc tạm từ mé sông Lòng Tàu vào sân. Là người Mường, quê Thanh Hóa, năm 2011, Oanh vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Tình cờ qua chương trình kết bạn trên đài phát thanh, Oanh quen và yêu Lê Hoàng Anh – quê Cần Giờ. Cô gái 19 tuổi đã từ bỏ phố thị để theo chồng về rừng.

Lúc đầu, cô không khỏi hụt hẫng trước cảnh hoang vu, buồn vắng trong rừng. Không ti vi, không điện thoại, không máy lạnh, họ bước hẳn ra khỏi cuộc sống hiện đại, trở về với nhịp thở nguyên sơ của thiên nhiên. Cô nói: “Thức ăn chủ yếu đồ khô. Nước ngọt hiếm lắm. Tụi em phải tắm sông trước rồi mới tráng lại bằng nước sạch, nhưng nước ấy cũng phải chắt lại, dùng tiếp để xả đồ, tưới cây. Chắt chiu từng giọt mà vẫn thiếu, đặc biệt là mùa khô”.

Những năm sau, nhờ ban quản lý rừng và các mạnh thường quân hỗ trợ bồn chứa nước, những người giữ rừng mới bớt phần chật vật, tranh thủ mùa mưa hứng nước trữ cho những tháng khô hạn. Vợ chồng Oanh phải túc trực giữ rừng 24/24 nên đành gửi 2 con nhỏ cho ông bà nuôi.

Oanh kể, mới sinh con 10 ngày, cô đã quay vào rừng làm nhiệm vụ, bởi “rừng không thể thiếu mình lâu hơn”. Trải qua vô số đợt tuần tra giữa nắng cháy, mưa dầm, cô đã bền bỉ bám trụ với rừng 14 năm qua.

Ngồi bên cạnh, Lê Hoàng Anh – chồng Oanh – nhìn vợ bằng ánh mắt yêu thương. Ông bà Anh là 1 trong 10 hộ dân đầu tiên tham gia giữ rừng từ năm 1990, rồi ba mẹ tiếp nối, nay đến vợ chồng Anh là thế hệ thứ ba, đang giữ gần 80ha rừng.

Từ khi 7-8 tuổi, Hoàng Anh đã theo ông bà đi tuần tra rừng. Đêm xuống, trong lúc ông bà lặn lội giữa rừng đước mênh mông, cậu bé cuộn mình trên chiếc võng mắc giữa 2 thân cây. Lớn hơn chút, cậu theo cha mẹ vào rừng, tranh thủ bắt con cua, con còng kiếm thêm thu nhập.

“Hồi đó chưa có nhà xây như bây giờ, chỉ là túp lều lá dựng tạm giữa rừng, tầm 4 – 5g chiều là muỗi bay đen kịt, phải giăng mùng. Vậy mà cũng hơn 30 năm, rừng nuôi em khôn lớn. Đến giờ, em cũng xác định gắn bó cả đời với rừng” – Hoàng Anh tâm sự.

“Một đời người, một rừng cây”

Trời vừa hửng sáng, ông Trần Minh Tùng (53 tuổi) nhìn mực nước sông Lòng Tàu dâng lên, liền mặc đồng phục, xỏ ủng, cùng vợ leo lên chiếc vỏ lãi, lướt nhanh về phía mảnh rừng được giao khoán. Nửa giờ sau, ông giảm tốc độ, nhẹ nhàng cập mé rừng, neo thuyền lại.

Cả hai trèo lên bờ, lội vào rừng. Họ chia nhau đi tuần dọc theo những lối mòn quen thuộc, xem có cây nào bị sâu bệnh, đổ ngã không. Sau nhiều giờ lội giữa rừng ngập mặn, quần áo, tay chân họ ướt sũng, lấm lem bùn sình. Có những đoạn, bùn quánh lại như muốn giữ chặt bàn chân người tuần tra.

Ông Tùng là 1 trong 30 tổ trưởng tổ tự quản bảo vệ rừng Cần Giờ, mỗi tổ gồm 3-6 thành viên là các hộ được khoán rừng liền kề nhau. Tùy vào con nước, họ lên kế hoạch kiểm tra theo tổ 9 lần/tháng, riêng mỗi hộ phải tuần tra hằng ngày trên khoảnh rừng do mình quản lý. Nhờ vậy, họ luôn phát hiện kịp thời những cây rừng có dấu hiệu bất thường hay những vụ xâm phạm rừng.

Là người giữ rừng lâu nhất ở đây, ông Tùng theo chân mẹ vào rừng từ khi 7 tuổi. Mẹ ông – bà Đinh Thị Hồng – tham gia trồng rừng từ năm 1979, sau đó là 1 trong 10 hộ đầu tiên nhận khoán giữ rừng. 46 năm qua, ông Tùng đã chứng kiến trọn vẹn quá trình hồi sinh của rừng Cần Giờ, tự tay ông đã cắm những trái đước đầu tiên xuống lòng đất trơ trọi, rồi dõi theo từng hàng cây vươn lên, khép tán thành rừng.

Ông cũng từng trải qua những năm tháng khó khăn, hiểm nguy của những người giữ rừng thời kỳ đầu. Ông kể: “Hồi đó, lâm tặc phá rừng dữ lắm, chúng chạy bằng ghe máy, còn mình chèo xuồng tay nên không cách nào đuổi kịp. Bởi vậy, chúng tôi thay nhau túc trực trong rừng để ngăn chặn.

Cũng có thời khắc đối đầu hiểm nguy, có khi xuồng ghe bị chìm vì sóng lớn, có những đêm dài trực chiến trong gió buốt và muỗi đói bủa vây, nhưng người dân ai cũng nỗ lực giữ rừng như giữ nhà mình. Vừa tuần tra, canh phòng nghiêm ngặt, tụi tôi vừa khéo léo vận động, thuyết phục các đối tượng vi phạm, nhờ cơ quan chức năng giúp họ tìm việc làm. Cứ vậy mà đến nay, rừng đã bình yên, việc giữ rừng cũng bớt phần cực nhọc”.

Chị Nguyễn Thị Loan (47 tuổi) và chồng cũng có hơn 30 năm gắn bó với rừng Cần Giờ. Chị kể, mùa gió nam (từ tháng Năm đến tháng Mười) là gian nan nhất: giông gió, biển động, mưa rào đổ xuống bất chợt, có khi kéo dài nhiều ngày, muỗi, bọ mắt sinh sôi khiến việc tuần tra thêm cực nhọc. Nhưng đây cũng là mùa cây rừng dễ bị sét đánh, gãy đổ, sạt lở nên những người giữ rừng phải tuần tra thường xuyên hơn, đi sâu vào rừng hơn.

Chị bộc bạch: “Tui theo ba mẹ giữ rừng từ năm 14 tuổi rồi gắn bó đến nay. Hồi nhỏ, đi rừng chưa quen, té ngã, bầm dập suốt, người đầy sẹo. Riết rồi, việc cực nhọc thế nào cũng thấy bình thường. Cả thanh xuân, mình chưa từng rời xa rừng. Rừng thân thuộc với mình như là hơi thở vậy”.

Theo thời gian, sự nhọc nhằn của những người giữ rừng cũng dần vơi bớt. Họ đã được xây chốt giữ rừng, cấp phương tiện đi lại tốt hơn, được hỗ trợ thêm các vật dụng như bồn trữ nước, tấm năng lượng mặt trời, cục phát wifi… 3 năm nay, họ đã có điện thoại thông minh, ti vi, dẫu chập chờn lúc được lúc không, nhưng cũng mang đến cho người giữ rừng chút kết nối với thế giới bên ngoài.

Ông Trần Minh Tùng cười hiền: “Giờ chế độ cho người giữ rừng tốt hơn nhiều rồi. Ban quản lý rừng quan tâm, mấy cô chú ở huyện, sở ngành cũng thương lắm. Họ lập quỹ giúp con em người giữ rừng đi học, rồi tết nhất có quà, có đoàn này đoàn kia ghé thăm. Mấy thứ đơn giản vậy thôi mà ấm lòng. Ở giữa rừng, tưởng chỉ có cây cối, ai dè còn có cả tình nghĩa, mình đâu có cô đơn gì đâu!”.

Ngã xuống vì màu xanh rừng Cần GiờNhững người trồng và giữ rừng Cần Giờ thế hệ đầu không thể nào quên anh Ngô Xuân Thế – người kiểm lâm đã ngã xuống để bảo vệ màu xanh của rừng.Anh Ngô Xuân Thế sinh năm 1953 tại tỉnh Thái Bình, từ năm 1971-1981, anh chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến dịch biên giới Tây Nam. Tháng 10/1981, anh chuyển ngành về Chi cục Kiểm lâm TPHCM và được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ rừng Cần Giờ.Ngày 24/4/1982, phát hiện lâm tặc, tổ tuần tra của anh Thế kiên quyết truy đuổi và anh đã hy sinh trên sông Lòng Tàu. Anh được công nhận là liệt sĩ và sau đó được truy phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.Ông Nguyễn Đình Cương nhớ lại: “Anh Ngô Xuân Thế là người trách nhiệm, gần gũi, gắn bó với bà con. Dù là thương binh, anh vẫn xung phong nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất. Anh đi đầu trong các đợt truy quét lâm tặc, buôn lậu lâm sản, cùng đồng đội ngăn chặn nhiều vụ xâm hại rừng. Mỗi khi xong nhiệm vụ, anh lại cùng đồng đội giúp dân sửa ghe, kéo lưới, phơi cá, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất. Ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, ai cũng thương quý anh”.

KỲ CUỐI: Tài sản vô giá của chính quyền và nhân dân TPHCM

Bài viết liên quan